Hơn 11 năm gắn bó với bục giảng, dành trọn thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục, đạt được nhiều thành tích đáng nể trọng, thế nhưng thầy giáo Đỗ Đức Mạnh – giáo viên thể dục Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (Sơn Tây, Hà Nội) đang rơi vào tình cảnh bế tắc chưa có hồi kết.
Anh Mạnh tại phiên tòa phúc thẩm TAND TP. Hà Nội
Bất chấp bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, buộc nhà trường phải khôi phục các quyền lợi hợp pháp cho anh, Ban Giám hiệu nhà trường vẫn cố tình phớt lờ phán quyết, thậm chí có dấu hiệu gây áp lực, tạo dư luận bất lợi để né tránh trách nhiệm tiếp nhận anh trở lại công tác. Sự việc không chỉ là câu chuyện của riêng một cá nhân, mà còn cho thấy những khoảng tối đáng lo ngại về môi trường giáo dục, về việc thực thi pháp luật trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Va chạm cá nhân ngoài giờ làm việc – khởi nguồn của bi kịch nghề nghiệp
Theo phản ánh của thầy giáo Đỗ Đức Mạnh, vào khoảng tháng 4 năm 2023, trong một lần sử dụng rượu bia ngoài giờ làm việc, anh đã xảy ra xô xát với anh Phùng Đức Chung – nhân viên bảo vệ của Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm. Sự việc diễn ra trước giờ vào học buổi chiều, trong phòng bảo vệ ở cổng trường, hoàn toàn ngoài khuôn viên lớp học và không liên quan đến hoạt động giảng dạy.
Ngay sau đó, sự việc được Công an phường Trung Sơn Trầm tiếp nhận, giải quyết. Anh Chung từ chối giám định thương tích, khẳng định sức khỏe bình thường. Tại Biên bản làm việc vào ngày 20/4/2023, Công an phường đã xác định hành vi của anh Mạnh là ít nghiêm trọng, hai bên đã thống nhất hòa giải, anh Mạnh chủ động xin lỗi và bồi thường thỏa đáng. Về phía anh Chung, sức khỏe ổn định, không có thiệt hại đáng kể gì.
Những tưởng vụ việc đã khép lại, thế nhưng chỉ ít lâu sau, Ban Giám hiệu nhà trường bất ngờ tổ chức họp Hội đồng kỷ luật và ra quyết định buộc thôi việc đối với anh Mạnh. Điều đáng nói, theo chia sẻ của anh và Luật sư đại diện bảo vệ quyền lợi, quyết định này xuất phát từ những mâu thuẫn, hiềm khích cá nhân vốn đã âm ỉ từ lâu.
Anh Đỗ Đức Mạnh và anh Phùng Đức Chung
Tòa án cấp phúc thẩm chỉ rõ: Quyết định kỷ luật buộc thôi việc là trái pháp luật
Không chấp nhận quyết định kỷ luật bị cho là áp đặt và mang tính trù dập cá nhân, anh Mạnh đã thực hiện đầy đủ các bước khiếu nại theo quy định, song không nhận được phản hồi thỏa đáng từ nhà trường. Bất đắc dĩ, anh phải nhờ đến sự hỗ trợ pháp lý của Luật sư Lưu Tiến Dũng, tiến hành khởi kiện ra Tòa án nhân dân thị xã Sơn Tây.
Sau nhiều phiên xét xử, phải đến khi vụ việc được đưa lên cấp phúc thẩm tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, bản chất sự việc mới được nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện, đúng quy định. Theo bản án phúc thẩm số 30/2025/LĐ-PT ngày 14/5/2025 đã có hiệu lực pháp luật, Hội đồng xét xử kết luận:
-
Hành vi xô xát của anh Mạnh là sai phạm về đạo đức nhà giáo, tuy nhiên chưa đến mức đặc biệt nghiêm trọng để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
-
Quyết định kỷ luật buộc thôi việc của Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm là trái thẩm quyền. Bởi theo quy định pháp luật, anh Mạnh là viên chức do UBND thị xã Sơn Tây quản lý, nhà trường (đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn) không có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
Trong quá trình xét xử, nhiều giáo viên đang công tác tại trường đã có ý kiến bằng văn bản, bày tỏ mong muốn nhà trường có cái nhìn bao dung, nhân văn, tạo cơ hội để anh Mạnh sửa chữa sai lầm, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Cụ thể, ghi nhận tại Bút lục số 300, 301, 270, 271, 274, 275, 276, 245, 246, 280, 278, 262,… trong hồ sơ vụ án của Tòa án nhân dân thị xã Sơn Tây. Các ý kiến đều cho thấy rằng anh Mạnh là một giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn vững vàng, hòa đồng, thân thiện với đồng nghiệp và được học sinh, phụ huynh yêu mến.
Thầy giáo Mạnh chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh
Ngoài ra, trong suốt quá trình công tác tại trường, anh Mạnh không chỉ hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, được thể hiện rõ qua kết quả các kỳ đánh giá viên chức hằng năm, mà còn tích cực tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi, nhiều lần đạt giải và được nhận bằng khen, giấy khen từ các cấp quản lý giáo dục: Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sơn Tây, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội vì các thành tích liên quan.
Ghi nhận của các cơ quan có thẩm quyền
Cụ thể tại: Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 20/3/2014, Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 11/7/2016, Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 23/6/2017, Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 19/6/2019, Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 02/7/2020, Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 09/9/2021, Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của UBND thị xã Sơn Tây; Quyết định số 07/QĐ-GD&ĐT ngày 23/1/2015, Quyết định số 23/QĐ-GDĐT ngày 10/01/2020, Quyết định số 527/QĐ-SGDĐT ngày 13/4/2021 của Phòng, Sở GD&ĐT các cấp; Quyết định số 26/QĐ-LĐLĐ ngày 15/7/2020 của Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội.
Một số thành tích của anh Mạnh trong công tác
Những ý kiến tập thể này là sự ghi nhận khách quan và chân thành đối với quá trình công tác của anh Mạnh, đồng thời bày tỏ nguyện vọng của đội ngũ giáo viên về việc nhà trường xem xét vụ việc một cách công tâm, thấu tình đạt lý. Từ những nhận định trên, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội buộc Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm phải hủy bỏ quyết định buộc thôi việc, khôi phục toàn bộ quyền, lợi ích hợp pháp của anh Mạnh, đồng thời thanh toán đầy đủ tiền lương, phụ cấp và các chế độ liên quan trong suốt thời gian anh bị thôi việc trái quy định.
Nhà trường phớt lờ pháp luật, đẩy giáo viên giỏi vào “bước đường cùng”?
Tưởng chừng sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, sự việc sẽ khép lại trong êm đẹp, tạo điều kiện để anh Mạnh trở lại giảng dạy, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, điều khiến nhiều người bất bình là thay vì nghiêm túc thực hiện phán quyết của cơ quan tư pháp, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm lại chọn cách phớt lờ bản án, trì hoãn việc tiếp nhận anh Mạnh trở lại làm việc.
Thậm chí, theo phản ánh của anh Mạnh, nhà trường còn có biểu hiện tạo dư luận bất lợi, cố tình bôi nhọ danh dự của anh nhằm hợp thức hóa việc không tiếp nhận anh, mặc dù về mặt pháp lý, quyền lợi của anh đã được bảo vệ rõ ràng và đầy đủ.
Cũng theo phản ánh, ngày 10/6/2025 anh đã đến làm việc trực tiếp với Ban Giám hiệu nhà trường để trao đổi, bày tỏ thiện chí và mong muốn được trở lại giảng dạy. Sau đó, ngày 19/6/2025 anh tiếp tục có đơn đề nghị chính thức, một lần nữa thể hiện rõ nguyện vọng được tiếp tục công tác tại trường. Tuy nhiên, đến nay, nhà trường vẫn chưa đưa ra phản hồi cụ thể hay hướng giải quyết rõ ràng nào đối với đề nghị của anh Mạnh.
“Tôi đã sai, tôi không chối bỏ điều đó. Nhưng tôi đã chịu trách nhiệm, đã sửa sai. Cơ quan chức năng, Tòa án cũng đã kết luận rõ ràng. Thế nhưng, chính nơi tôi từng gắn bó, từng cống hiến lại đang tìm cách đẩy tôi ra ngoài xã hội, tước đoạt cơ hội làm nghề, khiến tôi rơi vào cảnh bế tắc”, anh Mạnh nghẹn ngào chia sẻ.
Bài học cảnh tỉnh về tinh thần thượng tôn pháp luật trong môi trường giáo dục
Vụ việc của anh Đỗ Đức Mạnh không chỉ là câu chuyện đau lòng của một cá nhân, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về cách ứng xử thiếu khách quan, thậm chí coi thường pháp luật trong một bộ phận đơn vị sự nghiệp công lập.
Một môi trường giáo dục lành mạnh không chỉ là nơi rèn giũa tri thức cho học sinh, mà còn phải là nơi thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cán bộ, giáo viên. Việc Ban Giám hiệu nhà trường cố tình không thi hành bản án có hiệu lực pháp luật không chỉ vi phạm nghiêm trọng quy định về thi hành án dân sự, mà còn làm xói mòn niềm tin của đội ngũ giáo viên, của phụ huynh và xã hội vào tính công bằng, minh bạch của môi trường giáo dục.
Hơn thế nữa, thái độ thiếu cầu thị, thiếu tinh thần nhân văn của một bộ phận lãnh đạo nhà trường sẽ vô hình trung triệt tiêu cơ hội sửa sai, cơ hội được làm lại của những người từng vấp ngã, đi ngược lại bản chất của giáo dục – đó là sự bao dung và tạo điều kiện để hoàn thiện bản thân.
Cần tiếng nói của cơ quan chức năng và dư luận xã hội về chấp hành pháp luật
Thiết nghĩ, đã đến lúc Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Hà Nội, UBND phường Tùng Thiện (thị xã Sơn Tây cũ), cùng các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc một cách quyết liệt, yêu cầu Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm nghiêm túc chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật, khôi phục đầy đủ quyền lợi chính đáng cho anh Đỗ Đức Mạnh.
Đồng thời, các cấp quản lý cần tăng cường giám sát, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện vi phạm pháp luật, thiếu khách quan, thiếu nhân văn trong xử lý nội bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Về phía xã hội, rất cần những tiếng nói khách quan, công tâm, chia sẻ để bảo vệ quyền lợi của người lao động, lên án những hành vi coi thường pháp luật, ngăn chặn tình trạng "trên bảo dưới không nghe" kéo dài gây bức xúc dư luận.
Thầy Mạnh tham gia hiến máu tình nguyện
Đừng để người thầy rơi vào cảnh “bước đường cùng” chỉ vì vô cảm và thiếu sẻ chia
Hơn 11 năm tận tụy đứng trên bục giảng, biết bao bài học, bao thế hệ học trò đã được thầy giáo Đỗ Đức Mạnh truyền đạt kiến thức, hun đúc nhân cách. Những nỗ lực bền bỉ ấy, liệu có nên bị phủ nhận chỉ vì một phút nóng nảy đáng tiếc — điều mà chính bản thân thầy cũng đã đối diện, đã nhận lỗi, đã được pháp luật và tập thể ghi nhận là đã giải quyết một cách thấu tình đạt lý? Người thầy, suy cho cùng, cũng là con người với những giới hạn cảm xúc, những va vấp đời thường. Nhưng điều quan trọng hơn là sau tất cả, họ biết nhận sai, biết sửa mình và vẫn mong muốn được tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp gieo trồng tri thức, ươm mầm thế hệ trẻ.
Tước đi quyền lao động, quyền sửa sai, là không chỉ tước đoạt đi tương lai của một cá nhân, mà còn là làm tổn thương chính giá trị cốt lõi của môi trường giáo dục — nơi cần nhất sự bao dung, cần nhất niềm tin vào khả năng thay đổi, hoàn thiện của mỗi con người.
“Người thầy cần được nhìn nhận bằng sự công tâm, cần được trao cơ hội để đứng dậy sau vấp ngã, bởi chính sự bao dung ấy mới là bài học sâu sắc nhất mà một môi trường giáo dục tử tế gửi gắm cho xã hội.” — Luật sư Lưu Tiến Dũng chia sẻ.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
