Trang tin Hanoi Lawyers
Tel: (024) 8888 1118 | Email: Office@doanluatsuhanoi.com.vn


Một công dân tại Hưng Yên đang kêu oan sau khi bị kết án tù về hành vi “đánh bạc” – dù không có bất kỳ chứng cứ vật chất nào, không xác định được số tiền và cũng không ai trực tiếp chứng kiến hành vi phạm tội.

 

Bị kết án dù không ai tận mắt thấy đánh bạc

Anh Trần Văn Luận (sinh năm 1983, trú tại Văn Lâm, Hưng Yên) bị tuyên án 9 tháng tù giam về tội "đánh bạc" theo Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, trong toàn bộ hồ sơ vụ án – từ kết luận điều tra, cáo trạng cho đến các bản án sơ thẩm và phúc thẩm – đều không có bất kỳ lời khai nào xác nhận rõ ràng việc anh Luận đã trực tiếp tham gia đánh bạc.

Theo phản ánh của anh Luận, các bị cáo khác trong vụ án chỉ đưa ra những lời khai mơ hồ như: "thấy anh Luận có mặt gần đó", "hình như có tham gia", hoặc "nghe nói có ngồi đánh bạc". Không ai xác định được anh Luận đã đánh với ai, vào thời điểm nào, hay sử dụng bao nhiêu tiền. Hơn nữa, vụ án cũng không có người làm chứng độc lập, không có lời khai của người bị hại (vì đây là tội không có bị hại), và hoàn toàn không có tang vật, ảnh chụp, ghi âm, ghi hình hoặc tài liệu nào khẳng định anh Luận đã đánh bạc.

Buộc tội chỉ từ lời khai suy đoán: Vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tố tụng

Khoản 2 Điều 98 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.

Đồng thời, Điều 13 của Bộ luật này cũng khẳng định nguyên tắc suy đoán vô tội – một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Như vậy, việc kết tội một người khi không có chứng cứ trực tiếp, không có tang vật, và chỉ dựa trên những lời khai mang tính suy đoán, cảm tính – chưa được kiểm chứng – là hành vi vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc tố tụng hình sự. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính công bằng, khách quan trong quá trình điều tra và xét xử.

Không có tang vật, không xác định được số tiền đánh bạc

Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Đánh bạc” như sau: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng …, thì phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Như vậy, tội “Đánh bạc” là loại tội phạm có dấu hiệu định lượng rõ ràng về mặt khách quan, tức chỉ khi xác định được giá trị cụ thể của tiền hoặc hiện vật sử dụng để đánh bạc thì mới đủ cơ sở để khởi tố, truy tố và xét xử.

Tuy nhiên, trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào xác định anh Trần Văn Luận đã sử dụng bao nhiêu tiền hoặc hiện vật để tham gia đánh bạc. Không có biên bản thu giữ tiền, không có tang chứng, và cũng không có bất kỳ lời khai nào nói rõ số tiền mà anh đã đưa ra để chơi.

Việc buộc tội trong khi chưa làm rõ được dấu hiệu định lượng – yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm là vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, điều này còn trái với nguyên tắc “suy đoán vô tội” và “xác định sự thật của vụ án” theo Điều 13 và Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Lời khai mơ hồ, không đủ giá trị buộc tội

Cơ sở duy nhất để các cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội anh Luận là các lời khai từ những bị cáo khác – những người cũng bị xét xử trong cùng vụ án và có quyền lợi liên quan. Đáng chú ý, các lời khai này đều mang tính suy đoán hoặc cảm tính như: “nghe nói”, “hình như thấy”… không ai khẳng định chắc chắn rằng đã trực tiếp nhìn thấy anh Luận tham gia đánh bạc.

Trong khi đó, theo nguyên tắc, lời khai của đồng phạm không thể được xem là chứng cứ độc lập có tính xác thực nếu không được kiểm chứng, đối chiếu với những tài liệu, chứng cứ khách quan khác.

Với một vụ án không có tang vật, không xác định được số tiền đánh bạc, và chỉ dựa vào những lời khai cảm tính từ các bị cáo khác, việc buộc tội một công dân là hành vi tiềm ẩn nguy cơ oan sai nghiêm trọng – đi được với tinh thần thượng tôn pháp luật và nguyên tắc suy đoán vô tội.

Hai cấp toà bỏ qua nguyên tắc “nghi ngờ có lợi cho bị cáo”

Tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, anh Trần Văn Luận đều một mực kêu oan, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ các yếu tố chứng minh hành vi phạm tội. Tuy nhiên Hội đồng xét xử vẫn cho rằng “có căn cứ để buộc tội” mà không thể đưa ra được bất kỳ phân tích cụ thể nào về số tiền đánh bạc, vật chứng thu giữ hay mối liên hệ trực tiếp giữa anh Luận với hành vi phạm tội.

Cả hai bản án đều bỏ ngỏ các yếu tố then chốt như thời điểm xảy ra hành vi, địa điểm, những người cùng tham gia, công cụ mà anh Luận sử dụng. Thay vào đó, Tòa án lại chỉ dựa vào những lời khai mơ hồ để suy đoán người có mặt gần hiện trường là người tham gia. Đây là cách đánh giá mang tính chủ quan, thiếu cơ sở và đi ngược lại nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Bản án không chỉ thiếu tính thuyết phục về mặt chứng cứ mà còn có nguy cơ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong hoạt động tố tụng. Khi tòa án chấp nhận việc buộc tội chỉ dựa trên sự hiện diện tại hiện trường hoặc những lời khai suy đoán, điều đó đồng nghĩa với việc một người có thể bị kết án chỉ vì “bị nhắc tên” hoặc “đi ngang qua”.

Việc làm này không chỉ vi phạm Điều 31 Hiến pháp năm 2013 – vốn khẳng định rằng người bị buộc tội được coi là người không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định, mà còn xung đột với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), trong đó yêu cầu mọi người bị buộc tội phải được xét xử công bằng, chỉ bị kết án khi có chứng cứ rõ ràng và hợp pháp.

Cần xem xét kháng nghị giám đốc thẩm

Vụ việc của anh Trần Văn Luận không chỉ là một vụ án hình sự thông thường. Nó là phép thử sống động cho hệ thống tố tụng hình sự – nơi những nguyên tắc tưởng như bất di bất dịch như “suy đoán vô tội”, “đánh giá toàn diện, khách quan chứng cứ”, hay “không được kết tội khi chưa đủ chứng cứ rõ ràng” đang đứng trước nguy cơ bị phai mờ bởi lối tư duy tố tụng cũ kỹ: chỉ cần có tên trong hồ sơ là có thể bị buộc tội.

Trong vụ án này, không có người làm chứng độc lập, không có chứng cứ vật chất, không xác định được số tiền đánh bạc, không ghi nhận bất kỳ hành vi cụ thể nào của bị cáo – nhưng tòa vẫn tuyên án tù giam. Nếu việc kết tội có thể diễn ra dễ dàng như vậy, thì đâu là ranh giới giữa pháp quyền và suy diễn? Đâu là sự bảo đảm cho một công dân được xét xử công bằng?

Giám đốc thẩm không đơn thuần là một thủ tục. Đó là cơ chế pháp lý quan trọng được thiết kế để sửa chữa sai lầm tố tụng đã “đóng dấu” bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Trong những vụ việc như của anh Trần Văn Luận – khi chứng cứ buộc tội yếu, nhận định của toà còn gây tranh cãi, và nguyên tắc suy đoán vô tội bị lược bỏ – thì việc xem xét kháng nghị giám đốc thẩm không chỉ là cần thiết, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật để giữ gìn công lý và uy tín tư pháp.

Nếu không, vụ án này sẽ trở thành tiền lệ nguy hiểm – nơi một công dân có thể bị kết án tù chỉ vì “người khác nói có thấy”, thay vì dựa trên những chứng cứ đã được kiểm chứng và đánh giá nghiêm túc.
 

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Chúng tôi sẽ liên hệ sau ít phút, xin cảm ơn!

XEM THÊM

HÀ NỘI

LK01-15 Roman Plaza, Tố Hữu, Nam Từ Liêm
Tel: (84-24)-8888-1118
Email: Office@ladefense.vn

 

SÀI GÒN

Lầu 46 Bitexco Financial, Bến Nghé, Quận 1
Tel: (84-28)-8888-1118
Email: Attorney@ladefense.vn

CHÚNG TÔI TRÊN FACEBOOK