Trong cơn sốt bất động sản suốt vài năm qua, không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi tham gia những dự án được quảng bá hoành tráng nhưng tiềm ẩn rủi ro pháp lý. Câu chuyện của bà L.T.H.V., một nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội, là ví dụ điển hình: Gần 4 tỷ đồng tiết kiệm cả đời của bà đang mắc kẹt trong vòng xoáy hợp đồng, ứng dụng ảo và thông tin dự án thiếu minh bạch.

Đồng tiền thật – Dự án “bóng ma”
Năm 2022, tin vào những lời chào mời hợp tác đầu tư tài chính “siêu lợi nhuận” do Công ty Cổ phần Đầu tư KSFINANCE giới thiệu, bà L.T.H.V. đã ký 06 hợp đồng góp vốn để đầu tư vào hai dự án: Sunshine Capital Tây Thăng Long và Sunshine Heritage Hà Nội. Cả hai đều mang thương hiệu Sunshine vốn nổi tiếng về các dự án cao cấp, hiện đại.
Bằng niềm tin vào uy tín “Tập đoàn Sunshine”, bà L.T.H.V. đã chuyển khoản tổng cộng 3,964 tỷ đồng để nhận các Giấy chứng nhận đầu tư. Thế nhưng, đến thời hạn trả gốc và lãi như cam kết, tài khoản ứng dụng của bà liên tục báo lỗi, các cuộc gọi và email gửi đi không hồi âm. Số tiền lớn giờ chỉ còn là những dòng số vô hồn trên “Ứng dụng đầu tư tài chính 4.0” do KSFINANCE vận hành.
Soi chiếu pháp lý: Không tồn tại hoặc không đủ điều kiện
Nhận thấy rủi ro, bà L.T.H.V. đã ủy quyền cho Công ty Luật TNHH La Défense vào cuộc xác minh. Kết quả điều tra từ các văn bản trả lời chính thức của Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hà Nội đã làm sáng tỏ những khuất tất mà không ít nhà đầu tư chưa từng hình dung:
-
Dự án Sunshine Capital Tây Thăng Long: Không tồn tại trong hệ thống quản lý dữ liệu dự án của Thành phố Hà Nội.
-
Dự án Sunshine Heritage Hà Nội: Tên thương mại, nhưng tên pháp lý thật sự là Khu vườn sinh thái Cẩm Đình – Hiệp Thuận, do Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh làm chủ đầu tư, không liên quan gì đến KSFINANCE.
Quan trọng hơn, dự án này vẫn đang phải hoàn thiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, nghĩa vụ tài chính bổ sung, chưa đủ điều kiện huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân theo Luật Kinh doanh Bất động sản 2014.
Nói cách khác: KSFINANCE đã đứng ra kêu gọi vốn cho các dự án không đảm bảo điều kiện pháp lý, công khai thông tin sai lệch về tên dự án, chủ đầu tư, quy mô, vi phạm quy định và tiềm ẩn rủi ro cho hàng loạt nhà đầu tư khác.
Từ nỗ lực đối thoại đến phản ánh ra Chính phủ
Những nỗ lực làm việc thiện chí của bà L.T.H.V. vẫn chưa thu được kết quả. Công ty Luật La Défense đã nhiều lần gửi công văn, làm việc với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch & Đầu tư, UBND TP. Hà Nội, yêu cầu làm rõ tính pháp lý, xử phạt vi phạm hành chính và buộc hoàn trả tiền. Dù vậy, quá trình tiếp cận thông tin không hề suôn sẻ.
Cụ thể, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã ra công văn từ chối cung cấp thông tin với lý do “không thuộc thẩm quyền”, dù Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Nghị định 44/2022/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm công khai dữ liệu dự án, thị trường bất động sản.
Trước động thái “chối bỏ trách nhiệm” này, La Défense buộc phải gửi Đơn phản ánh lên Văn phòng Chính phủ, kiến nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng minh bạch hóa thông tin, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư cá nhân.
Mới nhất, ngày 02/7/2025, La Défense đã phát đi Công văn chính thức yêu cầu KSFINANCE và Tập đoàn Sunshine phối hợp tổ chức buổi làm việc trực tiếp với bà L.T.H.V. và luật sư đại diện. Bước đi này thể hiện thiện chí hòa giải, tránh đẩy vụ việc ra Tòa, nhưng đồng thời cũng là lời cảnh báo: Nếu tiếp tục im lặng, vụ việc sẽ được đưa ra khởi kiện công khai với đầy đủ chứng cứ và thông tin pháp lý.
Đừng tin “lợi nhuận cố định” mà quên điều kiện pháp lý
Câu chuyện của bà L.T.H.V. chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh xám của nhiều thương vụ huy động vốn “hợp tác đầu tư” trá hình. Lợi nhuận cam kết, hợp đồng mẫu in sẵn, giấy chứng nhận đầu tư đẹp đẽ… không thể thay thế hồ sơ pháp lý minh bạch, điều kiện dự án rõ ràng và năng lực thật sự của chủ đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân không biết rằng: Theo Khoản 1 Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS, dự án muốn huy động vốn phải có giấy tờ pháp lý về đất đai, thiết kế bản vẽ, giấy phép xây dựng, giấy tờ nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật… Khi thiếu bất cứ thủ tục nào, rủi ro mất trắng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chỉ một phút tin tưởng “thương hiệu lớn”, bà L.T.H.V. đang đối mặt với viễn cảnh phải đấu tranh pháp lý, thậm chí khởi kiện để đòi lại chính đồng tiền của mình. Đây là thực trạng đáng báo động khi các “ứng dụng đầu tư 4.0” mọc lên như nấm, nhưng hành lang pháp lý và sự giám sát còn nhiều kẽ hở.
Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Đằng sau mỗi vụ việc “dự án ma” hay kêu gọi vốn trái quy định, không chỉ có lỗi của doanh nghiệp vi phạm mà còn là trách nhiệm giám sát, minh bạch của cơ quan quản lý. Sự thiếu quyết liệt trong xử lý, hoặc né tránh công bố thông tin, đang gián tiếp tiếp tay cho những cạm bẫy tài chính bủa vây người dân.
Đối với bà L.T.H.V., hành trình đòi lại công bằng chưa kết thúc. La Défense đã tuyên bố nếu đối thoại không thành công, sẽ tiến hành khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc hoàn trả tiền gốc, lãi cam kết và bồi thường lãi chậm trả, đồng thời kiến nghị xử phạt nghiêm minh hành vi vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản.
Hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ
Giá như bà L.T.H.V. hay bất cứ ai khác, trước khi đặt bút ký, chịu khó rà soát chủ đầu tư thật sự là ai, dự án có đủ điều kiện huy động vốn hay không, có lẽ những bài học đắt giá này đã không xảy ra.
Vụ việc của bà L.T.H.V. không chỉ dừng lại ở con số gần 4 tỷ đồng, mà còn đặt ra câu hỏi lớn: Bao nhiêu nhà đầu tư nhỏ lẻ khác sẽ còn bị cuốn vào vòng xoáy “hợp đồng ảo”, “ứng dụng ảo” khi các lỗ hổng quản lý còn tồn tại?
Trong khi chờ đợi một câu trả lời từ các bên liên quan, hy vọng rằng sức ép dư luận và sự cẩn trọng của cộng đồng sẽ là lá chắn bảo vệ để không còn ai phải rơi vào cảnh “đồng tiền thật – dự án ma” như bà L.T.H.V.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
